Chuyện tử tế

Chiều muộn ngày 28 tháng chạp Âm lịch, vị khách hàng cuối cùng vừa rời đi, quầy giao dịch đã đóng cửa, những chứng từ còn lại được khẩn trương xử lý. Mấy tiếng đồng hồ tất bật, giao dịch luôn tay tưởng không kịp thở rồi mọi thứ cũng tạm xong. Không khí của một ngày cuối năm tại chi nhánh thật chộn rộn khác thường. Các bạn lần lượt tạm biệt nhau sau khi trao đổi những lời chúc năm mới tốt lành. Ai cũng nôn nao nghĩ đến những ngày Tết xum vầy hạnh phúc bên người thân, gia đình.

Phượng là người cuối cùng rời quầy, gác lại một năm bận rộn, cô mỉm cười nghĩ đến những ngày được về quê nghỉ ngơi, gặp mặt họ hàng người thân và quây quần cùng bạn bè. Mang theo cái túi đựng vài món quà Tết, Phượng bước ra ngoài, chúc Tết chú bảo vệ rồi đăm đăm nhìn dòng xe hối hả ngược xui, ai dường như cũng cố nhanh hơn một tý để về nhà sớm hơn. Phượng dõi mắt về phía trái đường, chờ bạn trai đến đón để cả hai bắt đầu chuyến đi xuyên đêm…

Bất chợt cô thấy bóng đèn pha xe máy hắt rất gần, một chị phụ nữ ngoài 30, quần áo xộc xệch, gương mặt khắc khổ và nhăn nhó trông có vẻ đau đớn vội vã dừng xe. Bật nhanh chân chống chị đi như chạy về phía Phượng và cất giọng yếu ớt:

“Chết rồi em ơi, làm sao bây giờ, chết rồi…”

Khi lại gần hơn, Phượng nhận ra một khách hàng quen, là công nhân một xưởng may cũng gần đó một tháng đôi lần hay ghé giao dịch tại chi nhánh. Giọng chị như rên lên, dáng run rẩy, một bên đi dép, một bên không để lộ vạt chân tứa máu… Vẻ bất thường đó khiến Phượng tò mò, không biết chuyện gì đã xãy ra.

Trấn tĩnh một tý, chị lại mếu máo như khóc, chiều nay tan ca chị chạy vội lại ngân hàng, dự tính rút số tiền lương tháng mới nhận để mua ít quà về quê ăn Tết. Xui xẻo thế nào chị lại đâm xe vào một chiếc khác đi cùng chiều. Cú va chạm đánh rầm, cái xe và người văng hai hướng, đám đông tụm lại, ai đó dìu chị đứng lên, chiếc xe cũng được dắt vào lề. Mấy phút sau định thần chị phát hiện chiếc túi xách đã bị mất cùng với giấy tờ tùy thân. Trong lúc hoảng hốt chị quên bẵng đi, kẻ gian nào đó đã lấy chiếc túi lúc lộn xộn.

Dàn xếp xong vụ đụng xe với người đàn ông, chị nhận ra đã quá giờ giao dịch, cố chạy nhanh hơn nhưng đến nơi thì ngân hàng đã đóng cửa, thẻ ATM cũng không còn để có thể rút tiền. 9 giờ tối tàu chạy – nếu nhỡ chuyến tàu chẳng biết còn kịp về quê ăn Tết không. Chị ứa nước mắt khóc, nấc nghẹn trong bế tắc:

“Em ơi, giờ chị phải làm sao? Có cách gì không? Chết rồi…”

Hiểu ra câu chuyện, Phượng thấy đắng lòng, lẽ ra giờ này cũng giống như bao người ngoài kia, gác hết lại nhọc nhằn lo toan để hướng về gia đình. Ngày cuối của năm còn xui rủi khiến xúc động đến mủi lòng, thấy thật tội nghiệp.

Chị nói tiếp, những công nhân đồng hương đã lần lượt về quê mấy ngày qua, chỉ vài người nán lại làm ca cuối cùng. Giờ này khách thuê cuối cùng cũng đã rời khu nhà trọ, chẳng còn ai có thể giúp. Phản ứng nghề nghiệp, Phượng nói phải gọi cho ngân hàng trước đã, rồi bấm máy số tổng đài bảo chị yêu cầu nhân viên khóa thẻ, chị luống cuống làm theo.

Lúc ấy thì người bạn trai cũng vừa đến, Phượng trao đổi nhanh câu chuyện với bạn nhưng cũng nhận cái lắc đầu vì chẳng thể nghĩ ra cách gì để giúp chị rút được tiền. Khi nhìn chị bối rối đứng đó, chợt mắt Phượng bắt gặp ánh nhìn như tuyệt vọng. Phượng bảo chị chờ tý rồi bước về phía cây ATM đặt ở cổng chi nhánh. Còn gần 5 triệu đồng trong tài khoản, Phượng rút hết và quay lại đưa chị:

“Em vẫn còn một ít, chị cầm đỡ tranh thủ mua sắm cho kịp chuyến tàu!”

Người phụ nữ trân trân nhìn, đôi mắt rơm rớm nước. Một tay đỡ xấp tiền một tay cầm tay Phượng: “Chị đội ơn em, em tốt quá. Chị chẳng biết lấy gì tạ ơn cho đủ…”, Phượng bảo chị đi đi, nhanh cho kịp tàu, ở ga cũng phải chen lấn mất thời gian lắm, quá trễ rồi. Chị rối rít cảm ơn rồi nổ máy xe…

Những ngày Tết yên ấm và vui vẻ cũng qua. Phượng chia tay gia đình trở lại thành phố với công việc. Sáng mùng 5 chi nhánh khai trương. Người khách đầu tiên đến giao dịch từ rất sớm chính là chị phụ nữ hôm nọ. Đi thẳng đến quầy trên tay cầm một phong bì, chị giử trả lại số tiền với những lời cảm ơn xúc động, chị nói Phượng chính là người đã mang lại cho gia đình mình một cái Tết sum họp và đầm ấm. Đêm giao thừa nhìn bố mẹ già và các em xúng xính đón Tết bên mâm cỗ, chị đã thầm cảm ơn sự tử tế hiếm gặp. Một nghĩa cử cao đẹp chẳng chút đắn đo.

Tiễn chị đi rồi, Phượng tranh thủ chuyển về quê số tiền trước Tết tính làm quà cho mẹ. Trong lòng Phượng, không khí hân hoan ngày Tết dường như vẫn còn.

Đây có lẻ là một trong những câu chuyện xúc động nhất của giao dịch viên mà tôi từng được nghe.

Trịnh Minh Thảo

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s