Thật lòng quan tâm đến khách hàng

 

Quá trình làm việc tại các chi nhánh, tôi được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện bán hàng và chăm sóc khách hàng vô cùng thú vị của các bạn giao dịch viên từ Bắc chí Nam – trong số đó, câu chuyện của Thu Dung, người đang làm việc tại chi nhánh X ở TP.HCM thuộc Y, một ngân hàng bán lẻ lớn trong nước là câu chuyện có kết thúc thật đẹp đến bất ngờ và thực sự để lại nhiều cảm xúc nhất.

Một trong những khách hàng tiền gửi quen thuộc của chi nhánh mà Dung được phục vụ hơn 3 năm qua là bác Hoàng. Một phụ nữ lớn tuổi, phúc hậu và vô cùng dễ mến. Dung được biết bác sống một mình trong căn biệt thự lớn ở quận 3, hàng tháng đến ngân hàng nhận lãi bằng xe ôm, giao dịch thì mất chỉ khoảng 5 phút nhưng lần nào bác cũng ở lại trò chuyện với Dung và các bạn cả tiếng đồng hồ mới luyến tiếc ra về vì “ở chơi với mấy cháu thấy vui, bác về cũng chỉ đọc báo, xem tivi suốt ngày ấy mà…”.

Bác có mấy cái sổ tiền gửi, giao dịch tiết kiệm thì mỗi tháng đến ngân hàng có một lần, nhưng cứ có dịp đi công việc như ngày lễ, họp tổ hưu trí, người có công hoặc gặp mặt phụ nữ truyền thống vv… là y như rằng bác sẽ tranh thủ ghé thăm mấy đứa một lát, thôi thì rổn ran đủ chuyện phố, chuyện nhà. Quen dần, Dung thấy bác như người nhà, quý cái cách nói chuyện thân tình và gần gũi; gửi tiền mấy năm chẳng bao giờ quan tâm đến lãi suất lên xuống, mỗi lần gặp chỉ cầm tay hỏi han dạo này ăn uống được không con, bác thấy mày hơi ốm, nè có con nhỏ phải coi trọng sức khỏe đó, còn phải quán xuyến công việc nhà nữa, ời mà lâu lâu cũng để ý chồng một tý, nó làm lụng cũng vất vả, vợ chồng nên đỡ đần nhau…

Vậy mà lần đó quá tháng rồi chẳng thấy bác đến, cũng không nghe nhắn tin gì, Dung chột dạ gọi điện thoại lại nhà thì chẳng ai nghe máy. Hai ngày cố gắng liên lạc với bác Hoàng không được, hỏi mấy bạn trong chi nhánh cũng chẳng có tin tức gì. Linh tính như có chuyện nên chiều hôm sau Dung lần tìm theo địa chỉ đến nhà bác.

Bấm chuông mấy lần chẳng động tĩnh, căn nhà im lìm hình như không có người, sốt ruột chưa biết làm sao thì nhà bên cạnh có người về, hỏi thăm Dung mới được biết, bác Hoàng đang nằm viện. Bác bị té cầu thang hơn tuần rồi, đang bó bột cần theo dõi nên bác sĩ chưa cho về. Dung quày quả chạy ngay vào bệnh viện ở quận 5, bác Hoàng nằm đó, người khá yếu nên chẳng cử động mạnh được, có cô hộ lý thỉnh thoảng ghé qua trông nôm giúp bác chuyện ăn uống… Gặp Dung bác mừng và cảm động lắm.

Từ hôm đó, mỗi chiều đi làm về Dung lại tranh thủ chạy vào với bác, tới buổi thì mua đồ ăn, trái cây, nước uống… rồi ngồi lại chuyện trò giúp bác khây khỏa một lúc mới về. Vài ba hôm lại tạt qua nhà bác lấy quần áo và tưới nước mấy chậu cây. Bác đưa cho Dung một chiếc chìa khóa để chủ động ghé bất cứ lúc nào tiện.

Đến tuần thứ ba, cũng vừa hết việc Dung lại chạy vào, lần này vào phòng thấy một chị phụ nữ trẻ đang ngồi bên giường, chị mỉm cười gật đầu chào Dung. Chưa kịp lên tiếng thì bác Hoàng bảo: “Ờ, con Dung đến rồi hả. Đây là chị Trinh mầy nè. Kẹt công chuyện hôm nay mới bay về được, xuống sân bay là chạy vào đây luôn đó”… Chuyện trò một lát mới biết chị Trinh có chồng nước ngoài, làm xuất nhập khẩu đồ trang trí nội thất, đi nước ngoài thường xuyên hơn ở Việt Nam. Đang công tác ở Pháp thì nghe bác Hoàng nhập viện nhưng do không đổi lịch với đối tác được nên phải mấy tuần mới về đến.

Chị Trinh cầm tay Dung xúc động: “Chị cảm ơn em rất nhiều, mấy tuần nay vất vả ra vô chăm Má. Má có nói với chị, kêu chị cứ xong việc hẳn về vì có Dung ngày nào cũng ở đây. Chị sốt ruột lắm nhưng biết như thế cũng bớt lo. Chị chẳng biết lấy gì để đền đáp công em!”…

Hơn tuần sau thì bác Hoàng xuất viện, Dung còn đến nhà thăm bác mấy lần nữa, ngoài bác Hoàng đã từ lâu xem Dung như con, giờ chị Trinh cũng nằng nặc bảo phải làm chị em kết nghĩa, quý và coi Dung như em… Những gì diễn ra tiếp theo đó chắc bạn cũng đoán ra, ngoài việc ngay sau đó là công ty và cá nhân chị Trinh chuyển về giao dịch tại chi nhánh – điều quý giá là Dung có thêm những mối quan hệ gia đình thật thân tình và nồng ấm. Với bạn đó là cái được vô giá sau 3 năm làm ngân hàng!

Trịnh Minh Thảo

 

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s